Ở bài viết này, tôi chỉ đề cập đến những vấn đề hết sức bình thường mà thiên chức LÀM MẸ khiến tôi thay đổi. Dám chắc bạn cũng thế!
Dọn ị cho con
Tôi đánh giá đây là thay đổi lớn nhất của tôi khi bắt đầu làm mẹ. Khi chưa có con, tôi rất sợ thậm chí “kỳ thị” mỗi khi con nít ị. Kể cả bình thường chúng trắng trẻo, thơm tho, đáng yêu đến thế nào… nhưng mỗi khi chúng out-put là tôi chạy xa tám chục kí lô mét để tránh. Nếu vô tình nhìn thấy cảnh em bé nào đang out-put, tôi sợ đến mắc ói.
Từ khi có con, tôi thay đổi hoàn toàn: không còn sợ hãi chạy mất dép mỗi khi con ị. Thậm chí, nhìn con ị đều đặn hàng ngày lại là niềm vui của biết bao bà mẹ vì bé ị đều nghĩa là sức khỏe bé ổn định, không mắc các bệnh về tiêu hóa. Mỗi lúc con bị táo bón, tiêu chảy, tôi lại săm soi “sản phẩm” của con kỹ lưỡng xem có “dị vật” nào đáng nghi không? Thậm chí, mỗi lần con ị là mẹ xông vào đòi xi hoặc dọn ị cho con, bởi vì tôi có niềm tin rằng khi có mẹ ở bên thì bé sẽ yên tâm hơn, và mẹ cũng vệ sinh cho con sạch sẽ hơn bất cứ ai trong nhà.
Hút mũi cho con
Hút mũi cho con bằng dụng cụ hút mũi thì thường thôi, ý tôi muốn nói ở đây là hút mũi cho con bằng… miệng của mẹ. Nghe có vẻ khủng khiếp đúng không? Tôi cũng đã từng cảm thấy khủng khiếp muốn ói khi nhìn thấy một bà mẹ dùng miệng hút mũi cho đứa con tự kỷ của cô ấy, bởi bé không biết tự xì mũi, và dụng cụ hút mũi có vẻ không tác dụng cho bé 5-6 tuổi.
Sau này, khi có con rồi tôi cũng không bao giờ tưởng tượng mình có thể hút mũi cho con mình như bà mẹ ấy. Nhưng một lần, con trai 3 tháng tuổi của tôi đang nằm bú mẹ thì sặc sữa. Bé ho, trớ, sữa trào ra cả miệng, mũi… Thằng bé khóc tím tái cả mặt. Hai vợ chồng tôi mới sinh con lần đầu, còn lóng ngóng lắm, nhà lại không có người lớn, dụng cụ hút mũi cho con đã mua rồi nhưng lúc đó cuống cả lên không tìm đâu ra. Tôi vừa bế con vừa khóc, thấy con khóc không thành tiếng, tôi liền ghé miệng hút mũi con với hi vọng bé thông đường thở. Thật khủng khiếp, mùi sữa hôi rình (vì đã vào ruột), lại thêm vị mặn của nước mũi… khiến tôi ngay lập tức trả con cho chồng rồi vào toilet ôm bồn cầu để… ói. May mắn, sau đó thằng bé thở được và lại ăn uống, vui chơi bình thường. Sau lần đó, hai vợ chồng tôi sợ khiếp vía, luôn chuẩn bị sẵn đồ chăm sóc sức khỏe của con, nước muối sinh lý… để dùng bất cứ khi nào cần.
Ăn đồ dư của con
Đây cũng là một trong những thử thách “to lớn” của tôi khi bắt đầu làm mẹ. Tôi vốn là người kén ăn, lại bị thai nghén hành hạ, nên khoản ói mửa khiến tôi sợ hãi lắm lắm. Từ khi chưa chồng, tôi không bao giờ tưởng tượng mình sẽ ăn lại đồ thừa của người khác, kể cả con mình. Sữa dư thì nguội, thậm chí có mùi nồng nồng ngai ngái. Cơm cháo dư thì nhão, có khi còn nguội nếu bé ăn chậm. Chỉ tưởng tượng thôi đã khiến tôi nổi da gà. Có lần tôi chứng kiến một chị bạn, sau khi con ói, chị đã dùng tay kiểm tra chỗ ói của con, sau đó nhặt 1 miếng “dị vật” cho vào miệng nhấm nhấm và kết luật: Thì ra miếng xoài làm con ói hả? Với tôi hành động đó chỉ có trong phim… kinh dị!
Thế nhưng vì “sự nghiệp làm mẹ”, vì lời khuyên của các bà các mẹ “nên uống sữa dư của con, ăn đồ thừa của con” để con đỡ biếng ăn và theo lời mẹ tôi “đổ đồ ăn đi là có tội, mai mốt con cái nghèo kiết xác”… Thế là tôi phải nhắm mắt nhắm mũi uống sữa dư, ăn đồ thừa của con. Đã có mẹ nào trải qua “nỗi khổ” này như tôi chưa? Bây giờ đôi lúc tôi cũng tự hỏi: có cần thiết phải “hành hạ” mình thế không nhỉ? Nhưng cứ nghĩ tới việc vì mẹ sợ… dơ mà bắt con sau này phải khổ thì tôi không đành.
Nấu cho con ăn
Cho đến lúc này, khi con trai lớn của tôi được gần 4 tuổi, nghĩa là kinh nghiệm làm mẹ của tôi cũng ngót nghét 4 năm, nhưng tôi vẫn lóng ngóng khi nấu nướng cho con ăn. Tôi sợ nhất là quãng thời gian con ăn dặm. Ôi thôi, ám ảnh vô cùng mỗi khi trời sáng: hôm nay sẽ nấu món gì cho con ăn đây? Mỗi ngày 3 bữa cháo, mẹ phải sáng tác 3 món cháo khác nhau cho con đỡ ngán. Ngày nào con lười ăn, không hợp tác là mẹ lo “quắn cả mông”. Đã thế, mẹ còn bị lùng bùng lỗ tai bởi quá nhiều lời góp ý: không được nêm gia vị cho con, đừng cho con ăn đồ biển, không được cho con ăn yaout trước 1 tuổi, phải tập cho con ăn thô, phải cho con ăn trái cây hoặc nước ép trái cây, rồi thì thực phẩm sạch, thực phẩm có lợi cho sức khỏe, rồi ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm kiểu Pháp… đủ thể loại trên đời khiến tôi bị xoay mòng mòng.
May quá, từ khi quyết định cho con “ăn dặm kiểu mẹ” thì tôi bớt stress. Tôi không quan tâm đến những mách nước của mọi người nữa, không áp lực với những lời góp ý, không theo bất cứ một công thức nào. Tôi cứ đủng đỉnh nấu cho con theo kiểu: nhà có gì con ăn nấy. Miễn con vui vẻ ăn uống là được. Mong các mẹ cũng sẽ vượt qua nỗi sợ hãi thời điểm con ăn dặm.
Nghiên cứu các nhóm chất dinh dưỡng
Nói đến việc ăn dặm khiến tôi nhớ đến chuyện mình đã trở thành chuyên gia dinh dưỡng bất đắc dĩ thế nào khi có con. Trước đây, tôi thậm chí còn chẳng biết đến tên của 4 nhóm chất dinh dưỡng, dù truyền thông có nhắc tới nhắc lui nhưng tôi cứ nghe tai này lọt tai kia… Cho đến khi có con, bỗng dưng tôi có nhu cầu tìm hiểu về “4 nhóm chất dinh dưỡng quan trọng cho bé”, “4 nhóm thực phẩm cần thiết cho sự phát triển của bé”… Tiếp đó là thuộc nằm lòng: tinh bột có trong các thực phẩm nào? Món gì có nhiều chất béo, chất đạm? Bổ sung chất xơ cho con bằng thức ăn gì?
Chưa hết, tôi còn tìm hiểu về các nhóm vi chất, các loại thực phẩm bổ sung vitamin… cũng được tôi nghiên cứu kỹ. Dĩ nhiên, không thể nào bắt con ăn bằng hết những loại thực phẩm bổ dưỡng này. Nhưng tìm hiểu về chúng lại rất có ích cho những người làm mẹ.
Tỉnh giấc bất cứ lúc nào
Trái với thời con gái, sau một ngày làm việc mệt mỏi thí cứ đặt người xuống là tôi đánh một giấc đến sáng. Tôi mê ngủ hơn cả mê ăn. Tôi có thể bỏ bữa, miễn là được ngủ nướng thêm tí nữa. Thế nhưng, khi có con, cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi.
Tôi không cho con ngủ riêng như các bà mẹ khác, con tôi nằm chung với mẹ, vì như vậy tôi sẽ cho con bú mẹ dễ dàng hơn. Mặc dù tôi đã sắm cho con một cái nôi rất xinh, nhưng đã phải thanh lý sớm do tôi không muốn con ngủ một mình. Còn ngủ với con thì mỗi đêm phải tỉnh giấc ít nhất 5 lần. Con cựa mình là tỉnh, xem con có khó chịu chỗ nào không, con có nằm ngay ngắn không, con có đói không, có nóng không, có lạnh không, có tè dầm hay ị đùn chưa? Khi bé lớn một chút, mẹ vẫn giật mình ầm ầm do con xoay người đạp bụp bụp vào mặt, hoặc tự dưng lên cơn nhõng nhẽo, hay nằm mơ tự dưng khóc ré lên… Chưa kể khi con ốm, mẹ tỉnh ngủ chưa từng thấy, cứ mươi, mười lăm phút là giật mình tỉnh dậy đo nhiệt độ xem con đỡ nóng chưa, con có ngủ ngoan không.
Nhiều khi tôi nghĩ: không biết đến bao giờ mình mới có một giấc ngủ ngon?!
Kiên trì, nhẫn nại
Không có “ông thầy” nào có thể dạy tôi tính kiên nhẫn hữu hiệu bằng “ông con” của mình. Trước đây, tôi nóng nảy, bộp chộp bao nhiêu, thì bây giờ tôi kiên trì, nhẫn nại bấy nhiêu. Không kiên trì sao được, vì tôi đang phải sống cuôc sống của một đứa trẻ 4 tuổi và một đứa trẻ 1 tuổi. Ăn chậm rãi, đi từ từ, kể cả lắp ráp lego cũng tằng tằng như thước phim quay chậm…
Chưa kể, phải cực kỳ kiên trì thì mới dạy được con, nếu cứ sồn sồn lên thì chắc chắn nhà có chiến tranh, khóc lóc, cáu gắt, mệt mỏi. Cám ơn các con vì đã dạy mẹ sự kiên trì - điều mà trước đây không ai có thể “cải tạo” nổi!
Thành thạo “gia chánh”
Một việc mà khi làm mẹ rồi, bạn mới bắt đầu tìm hiểu, đó là những quy tắc cúng kiếng, tiệc tùng trong gia đình. Nào là cúng đầy tháng, cúng thôi nôi, tiếp đến là các dịp lễ lạt, sinh nhật, tết nhất… Có con rồi, tôi mới năng tìm hiểu: cách cúng mụ, các bài khấn, các món để cúng kiếng những ngày quan trọng… Kể cả dịp Noel, quốc tế thiếu nhi, hay sinh nhật con… cũng phải chuẩn bị từ trước chu đáo, vì tôi muốn con mình hiểu được bản chất và ý nghĩa của những ngày lễ dành cho trẻ con này.
Tôi từng chứng kiến cặp vợ chồng người bạn chuẩn bị thôi nôi con chu đáo từ chiếc nón, những quả bong bóng hồng, những trò chơi dành cho trẻ con, bàn lưu niệm, những chiếc cupcake xinh đẹp mẹ tự nướng, những món quà tặng xíu xiu dành cho “khách mời”… họ làm trong niềm hạnh phúc và tự hào, với hi vọng rằng sau này khi con lớn, con xem lại những hình ảnh này để biết ba mẹ yêu con đến thế nào!
Những điều tôi “liệt kê” ở trên, có lẽ là chưa đủ, sẽ còn nhiều “lần đầu tiên” khác của các bà mẹ khác nữa trên trái đất này- đã làm, cho con mình, trong lần đầu tiên được LÀM MẸ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét