Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Để bé hết tè dầm

Khi bắt đầu đi học, trẻ đã ý thức hơn nay mình đã lớn nên việc vẫn tè dầm ở độ tuổi này khiến bé cảm thấy sợ hãi nếu để bố mẹ phát hiện, ngại ngùng, xấu hổ với bạn bè. Bản thân cha mẹ cũng bực mình, khó chịu, thậm chí la rầy con vì chuyện này. Mọi việc không quá khó để có thể giải quyết. Trước tiên, chính cha mẹ phải là người “giải phóng” tâm lý đầu tiên. Áp lực tâm lý nặng nề bạn đang đặt lên con chỉ làm mọi việc trở nên tệ hơn. Sau đó, cả bạn cùng con hãy áp dụng những cách đơn giản sau và mọi thứ sẽ dần “đi vào quỹ đạo”.

Những điều cha mẹ nên làm

- Giúp bé giải tỏa tâm lý: khẳng định với bé rằng tè dầm là hiện tượng bình thường, không có gì đáng xấu hổ. Bạn cũng có thể nói thêm là chính cha mẹ đã từng trải qua điều tương tự như con theo một cách hài hước. Bé yêu sẽ cảm thấy đỡ áp lực hơn khi biết bố mẹ cũng có một “tuổi thơ tè dầm” như mình.




- Giải thích đơn giản khái niệm “tè dầm” cho trẻ: trẻ sẽ cảm thấy hoang mang, lo sợ khi không biết tè dầm là gì mà mình lại mắc phải. Bằng một vài lời giải thích đơn giản, bạn sẽ trấn an được con. Chẳng hạn, “khi ngủ, bộ não không nhận được thông điệp con cần phải đi vệ sinh nên không đánh thức con dậy”.

- Uống nước: để chấm dứt tình trạng tè dầm cho con thì bạn cần giải quyết từ phần gốc. Cho bé uống nhiều nước hơn vào ban ngày và hạn chế vào ban đêm. Tránh không cho con uống nước ngọt bởi trong loại nước giải khát này có chứa caffeine, khiến lượng nước tiểu tạo ra nhiều hơn và trẻ có nhu cầu nhiều hơn thông thường.




- Đi vệ sinh trước khi ngủ: một trong những nguyên nhân góp phần khiến trẻ tè dầm là không đi vệ sinh trước khi ngủ. Bản thân trẻ lười đi hoặc chính bố mẹ quên, sơ ý không nhắc nhở con. Nhắc nhở con đi vệ sinh lần cuối trước khi ngủ sẽ là công việc hàng đêm của cha mẹ và con. Nếu hình thành được một thói quen thì càng tốt.

- Đặt chuông báo thức: nếu trẻ đã hơn 7 tuổi thì bạn không cần nhắc nhở con hàng đêm mà chỉ cần đặt chuông báo thức một giờ cố định cho bé đi vệ sinh. Việc này cha mẹ phải kiên trì cùng con thực hiện để hình thành thói quen khi nghe tiếng chuông là biết đến giờ đi vệ sinh. Bạn nên để đèn ngủ với ánh sáng dịu nhẹ để trẻ dễ đi lại, đặc biệt với nhà có nhà vệ sinh bên ngoài phòng ngủ.

Và những điều không nên

- Phạt, la rầy, trêu chọc, kể chuyện trẻ tè dầm cho người khác: một vài cha mẹ vì quá bực mình chuyện con cứ tè dầm miết đã làm một trong những hành động, lời nói trên. Bạn nghĩ rằng điều đó sẽ làm bé xấu hổ mà không tè dầm nữa. Thật ra, chúng chỉ làm bé căng thẳng, lo lắng và tình hình thêm xấu mà thôi.

- Bắt trẻ tự lau dọn sau khi tè dầm: đây giống như hình phạt cho một hành động mà trẻ không thể kiểm soát. Có lẽ bạn đã thành công trong việc khiến trẻ nhớ mãi chuyện này nhưng sẽ vô cùng tệ hại đối với tâm lý non nớt của con.


Cha mẹ lưu ý:

Nếu bé nhà bạn gặp phải một trong những tình trạng sau thì bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ:

- Bé nhà bạn đã bước vào cấp 1, tức là từ 6 tuổi trở lên, nhưng vẫn tiếp tục tè dầm với tần suất nhiều.

- Tình trạng tè dầm đã chấm dứt một thời gian nhưng bị tái lại, bé tè dầm hơn một lần mỗi đêm.

- Việc tè dầm quá nhiều chắc chắn có ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ. Do đó, khi thấy con có biểu hiện lo lắng, buồn bã thì bạn nên đưa con đi gặp bác sỹ.

Trước khi có thể trị dứt chứng tè dầm cho trẻ, bạn nên có cách để giúp giấc ngủ và cuộc sống hàng ngày của con được thoải mái.

- Nếu việc dọn dẹp “bãi chiến trường” của bé làm bạn mệt mỏi và mất nhiều thời gian thì bạn nên mua một tấm lót chống thấm đặt trên mặt chiếu hay nệm. Việc vệ sinh tấm lót này khá dễ dàng, giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian.

- Cho trẻ mặc tã: không chỉ cho bé mặc tã ở nhà mà cả ngay ở trường cũng vậy. Việc này giúp bé đỡ xấu hổ với bạn bè mà các cô bảo mẫu hay cô giáo của bé cũng dễ dàng hơn trong việc vệ sinh cho bé.

-ST-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét