Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Tuần thai thứ 4

Ngày thai thứ 22 - 28 (ngày 36 - 42 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Em bé của bạn đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy thế giới bên ngoài vẫn chưa thấy được bất kỳ dấu hiệu nào về những biến chuyển ngoài sức tưởng tượng đang diễn ra bên trong cơ thể bạn đâu – trừ khi lúc này bạn đã ý thức được việc mình có thai và thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh một cách đáng ngạc nhiên.




Thai nhi phát triển như thế nào?

Sâu bên trong tử cung của bạn, phôi thai đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tại thời điểm này, bé lớn bằng một hạt vừng (mè) và trông giống một chú nòng nọc hơn là một con người. Bé hiện tại được cấu tạo bởi ba lớp – ngoại bì, trung bì và nội bì – mà sau này sẽ tạo thành tất cả các cơ quan và mô.

Ống thần kinh – từ đây não bộ, dây sống, tế bào thần kinh và cột sống của bé sẽ được tạo thành – đang bắt đầu phát triển ở lớp ngoại bì trên cùng. Lớp này còn tạo thành da, tóc, móng, tuyến vú, tuyến mồ hôi và men răng. Tim và hệ tuần hoàn của bé cũng bắt đầu hình thành ở lớp trung bì. (Trên thực tế, tuần này, trái tim tí hon đã bắt đầu chia ngăn, đập và bơm máu.) Lớp trung bì cũng tạo nên cơ bắp của bé, sụn, xương và các mô dưới da. Lớp thứ ba, còn gọi là lớp nội bì, sẽ là nền tảng của phổi, ruột, hệ bài tiết sơ khai cũng như tuyến giáp, gan và tuyến tụy.

Trong lúc này, nhau thai và dây rốn sơ khai đã bắt tay vào việc vận chuyển dinh dưỡng và oxy cho bé của mình.
(Ảnh: Babycenter.com)

Hãy cùng điểm lại những biến chuyển từng ngày của bé trong tuần thai thứ 4:

Ngày thứ 22: Hệ thống mạch máu của bé đã hình thành ở mức ban sơ. Một hệ tế bào tạo thành các ống với nhiệm vụ vận chuyển máu đi khắp cơ thể bé bỏng của bé.
Mẹ làm cho con: Hãy tránh xa thuốc lá. Những phụ nữ hút thuốc trong thai kỳ dễ sinh con thiếu cân và khiếm khuyết tim.

Ngảy thứ 23: Em bé là một tập hợp các tế bào đang phát triển không lớn hơn một cái hạt anh túc. Nhau thai đang dần hoàn thiện để tham gia vào hệ thống hỗ trợ cho bé, sẵn sàng cho việc cung cấp dưỡng chất và oxy cho em bé trong suốt thời gian bé ở trong bụng mẹ.
Mẹ làm cho con: Tốt nhất là nên bắt đầu bổ sung các vitamin tiền sinh sản ngay khi bạn, quyết định mang thai. Nếu mẹ chưa có thói quen bổ sung vitamin hàng ngày, hãy bắt đầu ngay từ ngày này. Để nhắc nhở bản thân uống vitamin, hãy đặt chúng trong tầm mắt hoặc gần bàn chải đánh răng hoặc những nơi mà bạn chắc chắn sẽ phải nhìn đến mỗi ngày.

Ngày thứ 24: Đầu bé bắt đầu phát triển khá nhanh và sẽ lớn bất cân xứng trong một khoảng thời gian. Lúc này, trông bé hơi giống một con nòng nọc.
Mẹ làm cho con: Bạn có thể sốt ruột muốn đến bác sĩ thăm khám, nhưng các dịch vụ y khoa nên để sau 8 tuần kể từ kỳ kinh nguyệt cuối. Hãy chăm sóc bản thân và đợi thêm nhé!

Ngày thứ 25: Đoạn trên ống thần kinh của bé bắt đầu phát triển thành não bộ.
Mẹ làm cho con: Nếu bạn có nuôi mèo, hãy đeo găng khi dọn ổ cho nó hoặc nhờ ai đó làm thay. Phân mèo có thể gây bệnh trùng bạch cầu – được biết đến là nguyên nhân gây thai chết lưu, sinh non và các khuyết tật bẩm sinh.

Ngày thứ 26: Mắt và tai của bé bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 19. Bạn sẽ không thể biết được màu mắt thật của bé cho đến vài tháng sau khi bé được sinh ra.
Mẹ làm cho con: Nhuộm tóc trong thời gian mang thai có thể gây hại cho thai nhi, hầu hết bác sĩ khuyên bạn nên ngừng nhuộm màu tóc cho đến sau khi sinh con.

Ngày thứ 27: Chồi tay và chân của bé bắt đầu nhú ra chậm rãi và khung xương của bé lúc này đã bắt đầu thành hình.
Mẹ làm cho con: Hãy nghĩ về bé yêu. Bạn có thể muốn trưng một bộ quần áo trẻ em xinh xắn không phân biệt giới tính bằng cách treo nó đâu đó. Điều gì đó đơn giản như thế có thể giúp mẹ bầu cảm thấy thật hơn.

Ngày thứ 28: Lúc này bé dài khoảng 0.3cm tính từ đỉnh đầu đến chóp mông và có phần đầu của túi noãn hoàng mà qua đó bé nhận được những dưỡng chất quý báu.
Mẹ làm cho con: Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong hoa quả và rau xanh không là nguy cơ đáng kể với người lớn khỏe mạnh nhưng bào thai có thể bị tấn công nhiều hơn. Bạn nên chọn các loại rau quả chăm bón hữu cơ trong khi đang mang thai. Một số loại quả tốt cho thai phụ là đào, dâu tây và táo. Các loại rau quả công nghiệp thường chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Lưu ý: Mỗi em bé phát triển hơi khác nhau một chút – ngay cả trong bụng mẹ. Những thông tin trên chỉ cung cấp cho bạn những nét chính về sự phát triển của bé mà thôi.



Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?

Bạn có thể đã nhận thấy một số cảm giác khó chịu liên quan đến thai kỳ. Nhiều phụ nữ cho biết họ cảm thấy đau ngực, mệt lử và đi tiểu nhiều ngay từ những tuần đầu. Bạn cũng có thể thấy buồn nôn, mặc dù triệu chứng này thường gặp hơn ở vài tuần sau.

Thế giới bên ngoài vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về những biến chuyển ngoài sức tưởng tượng đang diễn ra bên trong bạn đâu – trừ khi lúc này bạn đã ý thức được việc mình có thai và thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh một cách đáng ngạc nhiên (như từ chối rượu bia và các món ăn khoái khẩu nhưng không an toàn lắm cho bé).

Mẹ sẽ muốn duy trì hoặc bắt đầu thói quen tập thể dục. Thể dục giúp bạn tăng sức mạnh và sự dẻo dai để gánh vác trọng lượng cơ thể đang ngày một tăng lên, giúp ngăn ngừa một số chứng đau nhức trong thai kỳ, và đối với nhiều người, thể dục còn là một cách giải tỏa căng thẳng tuyệt vời. Tập thể dục cũng giúp bạn sẵn sàng về thể lực cho cuộc “vượt cạn” đầy cam go. Không kém phần quan trọng, bạn sẽ dễ lấy lại dáng sau sinh hơn nếu duy trì tập thể dục trong suốt thai kỳ. Vậy nên hãy chọn những bài tập vừa phải và hứng khởi để luyện tập; đi bộ và bơi lội là những gợi ý tốt cho thai phụ.

Dưới đây là những gì sẽ xảy ra cho bạn trong tuần thứ 4 này, và kèm theo đó là những lời khuyên hữu ích cho mẹ mỗi ngày:

Ngày thứ 22: Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường là 28 ngày và hôm nay vẫn chưa thấy hành kinh, điều đó có nghĩa là đã “trễ”.

Mẹ làm cho mẹ: Nhiều công cụ xét nghiệm đơn giản bán ở hiệu thuốc có thể phát hiện được thai nghén (rất chính xác) ngay từ ngày đầu tiên bạn bị trễ kinh nguyệt. Hãy tìm một que thử thai. Thời điểm tốt nhất để thử thai bằng nước tiểu là ngay sau khi thức dậy vì lúc này nước tiểu cô đặc nhất.

Ngày thứ 23: Phụ nữ chỉ có khoảng 20-30% cơ hội thụ thai mỗi tháng, vì vậy các cặp đôi có thể mất cả năm mới có thể thụ thai. Nếu bạn đã thử thai và kết quả là có thai, hãy tận hưởng cảm giác mình đã đạt được điều gì đó thật quý giá và tuyệt diệu.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu bạn không có một địa chỉ thăm khám sản phụ khoa hoặc bà đỡ tin cậy nào, hãy bắt đầu hỏi mọi người xung quanh để được giới thiệu. Đừng ngại thử một vài chuyên gia y khoa trước khi mẹ chọn được một bác sĩ đáng tin cậy cho mình.

Ngày thứ 24: Hầu như chắc chắn là bạn chưa tăng cân chút nào cho đến thời điểm này, nhưng hẳn là bạn sẽ tò mò về những gì sắp đến. Khối lượng thông thường mà một phụ nữ mang thai sẽ tăng thêm vào khoảng 12-20kg, chủ yếu tập trung vào những tháng cuối của thai kỳ.
Mẹ làm cho mẹ: Dành thời gian để nhìn lại hình vóc hiện tại sau vài tuần mang thai của bạn, vì nó sẽ sớm thay đổi đáng kể đấy. Hãy nhờ ai đó chụp cho bạn những tấm ảnh bụng bầu trong suốt thời gian mang thai để ghi lại những khoảng khắc bé lớn lên trong bụng mẹ thế nào.

Ngày thứ 25: Thời điểm này, bạn đã có thể trải qua những cơn ốm nghén, có thể xuất hiện vào bất kỳ trong ngày và có thể kéo dài cả ngày. Khoảng phân nửa phụ nữ trải qua các cơn ốm nghén ở một cấp độ nào đó trong suốt thai kỳ.

Mẹ làm cho mẹ: Có nhiều giả thuyết về việc làm dịu cảm giác buồn nôn trong thai kỳ, nhưng bạn cần biết rằng chẳng cách nào trong số đó có thể chấm dứt hoàn toàn các cơn buồn nôn. Hãy ngủ nhiều và luôn trữ một ít thực phẩm (có thể là bánh quy) trong dạ dày mọi lúc là một cách để hạn chế những cảm giác khó chịu.

Ngày thứ 26: Hãy nói về tóc của bạn nhé, bạn có thể sẽ nhận ra vài thay đổi về độ dày và bóng của mái tóc, điều này là do nội tiết tố thai kỳ có thể gây ảnh hưởng đến bề dày và cấu trúc của sợi tóc.
Mẹ làm cho mẹ: Nếu tóc bạn dày và óng hơn, hãy tận hưởng cảm giác tự nhiên đẹp hơn đầy thú vị này. Nếu tóc bạn trở nên mỏng và khô hơn, hãy bổ sung chất sắt và đạm đồng thời bỏ ra 10 phút mỗi ngày để mát-xa da đầu để cải thiện tình hình.

Ngày thứ 27: Nhiều phụ nữ trở nên căng thẳng và sợ sẩy thai trong giai đoạn này của thai kỳ. Hãy hướng tâm trí vào việc mình sẽ là một người mẹ tuyệt vời thế nào để giúp xua tan lo lắng.
Mẹ làm cho mẹ: Hãy chia sẻ sự lo lắng này với ai đó mà bạn yêu thương. Trong khi sẩy thai là một mối lo dai dẳng trong giai đoạn đầu thai kỳ, bạn vẫn có nhiều cơ hội để tiếp tục mang thai và sinh ra một em bé khỏe mạnh. Không có gì sai trái với việc nắm bắt những điều tốt đẹp.

Ngày thứ 28: Bầu ngực của bạn bắt đầu thay đổi, lớn lên và tiếp tục như thế. Việc một thai phụ tăng hai cỡ áo ngực trong thai kỳ là hoàn toàn bình thường.
Mẹ làm cho mẹ: Đừng lãng phí với những chiếc áo ngực mới có cỡ áo cũ, bởi vì chúng sẽ không còn vừa trong ít lâu nữa. Dành tiền đến khi bạn cần những chiếc áo ngực lớn hơn để nâng đỡ bộ ngực đang phát triển của mình.

Các ông bố trẻ có rất nhiều cách để có thể chia sẻ và cùng tham gia vào 9 tháng thai kỳ tuyệt vời với mẹ – ngay từ những ngày đầu này.

Bạn sẽ cảm thấy gì trong tuần thai này?

  • 70% bà mẹ cảm thấy ngực đau và nhạy cảm hơn trong tuần này.
  • 64% bà mẹ cảm thấy mệt lả và kiệt sức trong tuần này.
  • 48% bà mẹ cảm thấy trướng bụng trong tuần này.




Theo Webtretho.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét