Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Tuần thai thứ 5

Ngày thai thứ 29 - 35 (ngày 43 - 49 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Trong tuần này, bé bắt đầu hình thành chiếc mũi, miệng và đôi tai xinh yêu; còn mẹ của bé thì bắt đầu có tâm trạng thất thường một cách… hoàn toàn bình thường. Hãy cùng tìm hiểu để có sự chuẩn bị thật tốt cho những tháng sắp tới nhé!




Em bé phát triển như thế nào?

Trong tuần này, bé sẽ bắt đầu thành hình chiếc mũi, chiếc miệng và đôi tai xinh yêu mà bạn sẽ muốn hôn suốt sau 8 tháng nữa. Nếu có thể nhìn được vào tử cung mình, bạn sẽ thấy một cái đầu to quá khổ cùng những điểm tối – chính là vị trí mà mắt và mũi bé đang hình thành. Đôi tai mới nhú của bé lúc này được đánh dấu bởi những điểm lõm nhỏ hai bên đầu; tay và chân của bé cũng đang nhô ra. Tim bé đang đập khoảng 100-160 nhịp/ phút – nhanh gần gấp đôi so với bạn – và máu bắt đầu lưu thông khắp cơ thể bé. Ruột của bé đang phát triển, các búp mô sẽ phát triển thành phổi đã xuất hiện, tuyến yên đang hình thành, phần còn lại của não bộ, cơ bắp và xương bé cũng vậy. Lúc này, bé dài khoảng 6mm.

Cụ thể bé đã phát triển như thế nào trong tuần thứ 5? Hãy điểm qua các sự kiến trong từng ngày nhé!

Ngày thứ 29: Tim bé đã đập bình thường từ ngày này, bơm một lượng máu nhỏ xíu xuyên suốt hệ mạch máu mới hình thành của bé.

Mẹ làm cho con: Nếu gia đình bố (mẹ) có tiền sử bệnh tim thì bạn hãy trình bày cho bác sĩ hoặc bà đỡ ngay trong cuộc thăm khám đầu tiên. Bằng cách đó, bác sĩ sẽ lưu tâm đến bất kỳ vấn đề nào đối với trái tim non nớt của bé.

Ngày thứ 30: Những phần tách biệt của não bé bắt đầu hình thành và tự phân loại.

Mẹ làm cho con: Tránh dùng aspirin, ibuprofen và bất cứ loại thuốc không thật cần thiết nào trong suốt thai kỳ. Aspirin và thuốc kháng viêm đều liên quan đến nguy cơ sẩy thai và dị tật tim ở bé. Ibuprofen dùng trong giai đoạn cuối thai kỳ (3 tháng cuối) thậm chí còn rủi ro hơn vì chúng có thể dẫn đến cạn ối rất nguy hiểm. Nếu bạn cần giảm đau, hãy trung thành với acetaminophen hoặc hỏi bác sĩ để được kê các loại thuốc phù hợp cho thai phụ.

Ngày thứ 31: Thận của bé bắt đầu phát triển và chẳng bao lâu nữa sẽ sản xuất ra những giọt nước tiểu nhỏ li ti.

Mẹ làm cho con: Kiểm soát lượng caffeine (1 hoặc 2 tách / ngày) để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bé yêu. Tốt nhất là mẹ nên hạn chế chất caffeine ngay từ đầu thai kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa lượng caffeine cao trong thai kỳ và tình trạng bé sinh ra thiếu cân.

Ngày thứ 32: Cánh tay nhỏ xíu của bé và cái chân mới nhú đã rõ ràng hơn. Chỉ trong vài tuần nữa, bé sẽ có thể cử động được chân tay.

Mẹ làm cho con: Tránh ngủ với chăn điện trong suốt giai đoạn đầu của thai kỳ. Một số nghiên cứu chỉ ra sự liên quan giữa việc dùng chúng khi mới mang thai với nguy cơ sẩy thai và những dị tật ống thần kinh. Trong khi không ai chắc chắn về tác hại thực sự của loại chăn này, điện và từ trường từ chăn điện có thể làm tăng đáng kể thân nhiệt của bạn và đủ gây đe đọa để tránh sử dụng chúng.

Ngày thứ 33: Chậm rãi và chắc chắn, mũi và miệng dần thành hình trên khuôn mặt bé.

Mẹ làm cho con: Lúc này, bố mẹ đã có thể nghĩ đến việc đặt tên cho bé được rồi, hãy chọn ra một vài cái tên ưng ý cho bé trai và bé gái nhé!

Ngày thứ 34: Cơ quan sinh dục của bé bắt đầu hình thành. Các tế bào tạo thành trứng và tinh trùng trong cơ thể bé trai và bé gái đang tạo nên những bộ phận này theo cách riêng của chúng.

Mẹ làm cho con: Muốn biết giới tính của em bé trong bụng là một sự tò mò hiển nhiên của các ông bố bà mẹ. Nhưng nhiều người lại thích dành bất ngờ này cho đến tận ngày sinh con. Hãy thảo luận với bạn đời về việc có nên biết giới tính của bé sớm hay không.

Ngày thứ 35: Hôm nay bé đã dài được 0.6cm rồi đấy.

Mẹ làm cho con: Vẫn còn những tranh cãi về việc ăn đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng có thể làm tăng khả năng bé bị dị ứng với đậu phộng. Để chắc chắn và an toàn thì tốt hơn hết là bạn hãy tránh xa đậu phộng trong 238 ngày còn lại của thai kỳ. Điều này càng quan trọng hơn nếu bố bé hoặc gia đình bên nội có tiền sử dị ứng với đậu phộng.



Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?

Mẹ có thể thấy mình hơi thất thường về tâm trạng – vui đó rồi buồn đó. Điều đáng nói ở đây là những biến động này hoàn toàn bình thường (dù cho bạn là người kiểm soát cảm xúc rất tốt). Tính khí thất thường khi mang thai phần nào do sự biến đổi nội tiết tố. Nhưng gạt chuyện nội tiết qua một bên đi, chẳng phải cuộc sống của bạn đang có một bước ngoặt lớn đó sao – ai mà không biết điều đó cơ chứ?

Máu thấm khố (điểm máu thấm vào quần lót hay giấy vệ sinh sau khi tiểu tiện) hoặc ra máu khá phổ biến trong giai đoạn đầu thai kỳ, được ghi nhận ở khoảng ¼ số thai phụ. Hiện tượng này có thể xảy ra trong một thai kỳ bình thường nhưng đôi khi lại có thể là dấu hiệu đầu tiên của sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung. Nếu bạn thấy hiện tượng, hãy báo với bác sĩ để theo sát tình hình.

Dưới đây là những những gì bạn sẽ trải qua trong 7 ngày của tuần này, và những lời khuyên hữu ích kèm theo:

Ngày thứ 29: Cơ thể bạn lúc này rất cần các vitamin, nhưng nhiều bà mẹ có thể thấy khó chịu dạ dày khi phải uống những viên vitamin khổng lồ này.
Mẹ làm cho mẹ: Đừng trốn tránh việc uống vitamin, ngay cả khi bạn thấy dạ dày khó chịu và nôn mửa. Hãy hỏi bác sĩ xem có thể thay thế bằng thuốc nhai hay không.

Ngày thứ 30: Sự thay đổi nội tiết tố có thể làm chậm chuyển động của thức ăn qua hệ tiêu hóa, và kết quả là chứng táo bón có thể quay trở lại.
Mẹ làm cho mẹ: Để làm dịu táo bón, hãy chắc rằng bạn đang có một chế độ ăn giàu chất xơ (như hoa quả và rau tươi), đồng thời uống nhiều nước hơn. Tập thể dục cũng giúp làm dịu chứng bệnh khó chịu này.

Ngày thứ 31: Sự gia tăng nội tiết tố cộng với dung lượng máu tăng có thể dẫn đến những cơn đau đầu không thường xuyên. Đau đầu là một trong những triệu chứng của thai nghén, đặc biệt là trong kỳ 1 và kỳ 3 của thai kỳ.

Mẹ làm cho mẹ: Cố làm dịu cơn đau đầu bằng cách thư giãn trong phòng tối, tắm nhẹ nhàng, xoa bóp, chườm lạnh ở lưng và cổ. Nếu tình hình vẫn không cải thiện, hãy nhờ bác sĩ kê toa thuốc acetaminophen để giảm đau.

Ngày thứ 32: Thời gian đầu của thai kỳ có thể làm bạn cáu gắt. Bạn hãy nói cho những người xung quanh biết là mình đang mang thai để họ có thể thông cảm với bạn hơn nhé!

Mẹ làm cho mẹ: Điều này có thể giúp bạn làm dịu cảm xúc của mình: Một khi bác sĩ đã nghe thấy tim thai, khả năng sảy thai chỉ còn là tối thiểu mà thôi. Một số phụ nữ chỉ thông báo có thai vào khoảng 12-13 tuần kế từ kỳ kinh cuối khi mà nguy cơ sẩy thai giảm đáng kể. Một số khác có suy nghĩ tích cực và muốn chia sẻ tin vui của mình càng sớm càng tốt.

Ngày thứ 33: Lưu lượng máu tăng, bạn có thể là một trong những phụ nữ may mắn trải qua thời gian ham muốn tình dục cao độ. Một số phụ nữ khác, tất nhiên, ngược lại cảm thấy ốm nghén nặng nề hơn.

Mẹ làm cho mẹ: Đừng ngại ngùng tận hưởng “chuyện ấy” với bạn đời trong suốt thời gian mang thai. Chỉ những điều sau mới có thể cản bạn làm “chuyện ấy”: lời khuyên của bác sĩ, triệu chứng chảy máu do nấm hoặc nhiễm trùng đường tiểu, hoặc không thoải mái. Nói cách khác, hãy tận hưởng “chuyện ấy” mà không phải lo đến các biện pháp tránh thai trong thời gian này.

Ngày thứ 34: Tình trạng thể chất cũng có thể làm tăng nguy cơ trong thai kỳ. Nếu bạn nhỏ hơn 15 tuổi và lớn hơn 35 tuổi, từng có biến chứng thai kỳ trong quá khứ, hoặc mang đa thai, bạn được xếp trong nhóm “nguy cơ cao”.

Mẹ làm cho mẹ: Đừng để cái mác “nguy cơ cao” làm bạn lo lắng nhé! Điều này không hề tiêu cực, nó chỉ có nghĩa là bạn và bé cần được quan tâm và chăm sóc cẩn thận hơn mà thôi.

Ngày thứ 35: “Kiệt sức” có lẽ là từ chính xác để mô tả tình trạng thể chất của bạn hôm nay. Thách thức phổ biến nhất với các mẹ mang thai thời kỳ đầu là làm thế nào có thể trải qua ngày làm việc dài mà không buồn ngủ.

Mẹ làm cho mẹ: Ngủ một chút bất cứ lúc nào bạn có thể. Tranh thủ ngủ một lúc vào giờ ăn trưa, đi ngủ sớm hơn vào buổi tối, rút ngắn các thói quen buổi sáng để có thể dậy muộn hơn một chút. Hãy nhớ rằng, cảm giác ấy sẽ qua mau thôi mà.

Bạn sẽ cảm thấy gì trong tuần này?

  • 72% bà mẹ cảm thấy ngực đau và nhạy cảm hơn trong tuần này.
  • 64% bà mẹ cảm thấy kiệt sức trong tuần này.
  • 48% bà mẹ cảm thấy buồn nôn trong tuần này.




Theo Webtretho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét