Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Tuần thai thứ 8

Ngày thai thứ 50 - 56 (ngày 64 - 70 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Bây giờ, bé con đã bắt đầu trông giống người hơn; bạn thì vẻ ngoài tuy chưa rõ là một thai phụ nhưng những dấu hiệu mang thai đã trở nên rõ ràng. Ngoài sự khổ sở bởi những cơn nghén và cảm xúc thất thường, nhiều bà mẹ trẻ còn đau đầu bởi việc nghĩ xem đã nên thông báo tin vui mình đang có cho đồng nghiệp hay chưa…



Em bé phát triển như thế nào?

Sinh linh mới trong tử cung của bạn giờ dài khoảng 2,5cm – khoảng bằng một quả nho – và chỉ nặng vài gam. Bé bắt đầu trông giống người hơn, các bộ phận chính của cơ thể đã phân chia đâu vào đó dù sẽ còn phải hoàn thiện rất nhiều trong những tháng tới. Tim bé đã chia thành 4 ngăn và các van tim đã bắt đầu hình thành; tương tự là các chồi răng nhỏ xíu. Cái “đuôi” bào thai đã hoàn toàn biến mất.

Các cơ quan, cơ bắp và các tế bào thần kinh đang phát triển nhanh. Cơ quan sinh dục ngoài đã hình thành nhưng chưa đủ để phân biệt được bé trai hay bé gái cho đến vài tuần nữa. Hai mắt bé đã thành hình, tuy nhiên mí mắt lúc này vẫn đóng chặt và chỉ có thể hé mở khi đến tuần thai thứ 27. Bé cũng có đôi vành tai nhỏ xíu, cùng với miệng, mũi và lỗ mũi có thể phân biệt được. Nhau thai cũng đã phát triển đủ để đảm nhận hầu hết việc sản sinh nội tiết tố. Cơ thể bé đã hoàn tất phần cấu tạo lý tính và đã sẵn sàng để tăng cân rất nhanh.

Dưới đây là những gì mà bé cưng của bạn sẽ trải qua từng ngày trong tuần này:

Ngày thứ 50: Bé lúc này dài hơn 2.5cm và có kích cỡ bằng một hạt đậu, trông khá là giống một củ đậu phộng, cả trọng lượng cũng khoảng đó. Ngay cả với siêu âm, cũng rất khó để thấy rõ bộ phận sinh dục và xác định giới tính của bé.

Mẹ làm cho con: Bạn có lẽ muốn nằm nghiêng khi ngủ trong suốt thai kỳ. Nằm sấp sẽ sớm trở nên rất không thoải mái và về cuối thai kỳ thì nằm ngửa cũng vậy. Hãy thử tư thế nằm nghiêng về bên trái, tư thế này giúp máu đến nuôi bé được dồi dào hơn.

Ngày thứ 51: Bé lúc này đã bớt giống một động vật lưỡng cư và giống một con người hơn. Giữa các ngón tay không còn có màng nữa và cái “đuôi nòng nọc” đã biến mất.
Mẹ làm cho con: Nếu bạn không nạp đủ lượng kẽm trong thai kỳ (khoảng 15mg/ngày), bé dễ có nguy cơ bị sinh non. Những nguồn kẽm tốt nhất gồm có: lúa gạo, mầm lúa mì, trứng, cá, thịt, gia cầm và bắp rang.

Ngày thứ 52: Em bé giờ đã được lập trình mọi bộ phận và xương mà bé sẽ cần như một người trưởng thành. Bé đã có thể giao kết các cơ.

Mẹ làm cho con: Hôm nay, bạn hãy "nạp" mangan dưới dạng trái cây, đậu, lúa gạo, các loại hạt, trà, hành tỏi.

Ngày thứ 53: Hôm nay, lưng bé đã thẳng hơn và cổ bắt đầu thành hình. Bé cũng có thể nắm tay thành quả đấm, sau đó có thể tìm ra cách để ngậm ngón tay cái.

Mẹ làm cho con: Nếu bạn trên 35 tuổi hoặc gia đình có bệnh sử gia đình đáng lưu ý, hãy nói với bác sĩ về xét nghiệm dị tật bẩm sinh giai đoạn đầu của thai kỳ (CVS). Bạn cần thực hiện chẩn đoán này từ tuần thứ 8-10 của thai kỳ để phát hiện nhiễm sắc thể bất thường như hội chứng Down và các bệnh di truyền như u xơ với độ chính xác đến 98-99%.

Ngày thứ 54: Bé đã phát triển những ưu tiên thực phẩm của riêng mình. Lưỡi của bé đã được bao phủ bởi các nụ vị giác. Một ngày nào đó, bé sẽ cho bạn biết rành mạch rằng bé thích món nào và không thích món nào.

Mẹ làm cho con: Bạn và bố bé có thể bắt đầu thảo luận về điều gì sẽ xảy ra khi bé yêu ra đời. Bé có cần người trông trẻ không? Bạn sẽ cho bé bú mẹ? Những mong chờ của bạn khi bé ra đời? Bạn càng chia sẻ những điều này sớm thì càng đỡ căng thẳng trong suốt thai kỳ. Bạn càng ít căng thẳng trong thai kỳ, bé sẽ càng vui vẻ hạnh phúc.

Ngày thứ 55: Các khớp xương của bé giờ đã hoạt động và bé chắc chắn sẽ rất thích thú với những khúc cong lạ lùng của đầu gối, khuỷu tay, vai, mắt cá, cổ tay và chuyển động tự do trong túi ối.
Mẹ làm cho con: Các loại trà thảo dược được xem là rất tốt cho sức khỏe và giúp thư giãn, tuy nhiên nếu dùng trà thảo dược trong thai kỳ, bạn cần nghiên cứu các thông tin liên quan xem loại thảo dược nào được phép và loại thảo dược nào nên kiêng cữ trong thời gian mang thai.

Ngày thứ 56: Trái tim nhỏ của bé giờ đây đã có 4 ngăn và được ngăn bởi những cái van nhỏ xíu. Cơ thể của bé lúc này cỡ bằng một quả nho, dài dần 4cm.

Mẹ làm cho con: Nhiều phụ nữ quay lại chọn những bà đỡ hoặc nữ hộ sinh để giúp họ trong suốt thai kỳ và sinh nở. Phương án này hợp với những bà mẹ thích sự can thiệp tối thiểu của thuốc men. Bạn cần có những khảo sát trước khi quyết định lựa chọn hình thức nào.



Hãy tìm hiểu cụ thể hơn những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này cùng những lời khuyên hữu ích nhé!

Ngày thứ 50: Tử cung nở lớn đang chèn lên bàng quang và khiến bạn phải tiểu tiện thường xuyên hơn. Cảm giác này có thể thúc bạn dậy giữa đêm trong khi mà tất cả những gì bạn muốn là ngủ.
Mẹ làm cho mẹ: Chẳng có cách nào giúp bạn giải quyết triệt để sự phiền hà này cả, nhưng bạn có thể trì hoãn thôi thúc tiểu tiện bằng cách tống tất cả nước tiểu ra ngoài mỗi lần bạn đi tiểu. Tránh các đồ ăn hoặc thức uống lợi tiểu để giảm phiền hà.

Ngày thứ 51: Đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy quá đa cảm và mau nước mắt trong những ngày này, đây chỉ là một phần của giai đoạn đầu thai kỳ.

Mẹ làm cho mẹ: Cho phép bản thân trút bầu tâm sự với bạn thân nhất hoặc bạn đời vào những ngày mà tâm trạng bạn không ổn định. Nếu bạn cảm thấy một cơn “khó ở” không đúng lúc đúng chỗ, hãy tha thứ cho bản thân và nhanh chóng lánh vào phòng vệ sinh nữ.

Ngày thứ 52: Bạn có thể trải qua những cơn ợ nóng từ nhẹ cho đến thật tệ sau khi ăn. Progesterone và estrogen bắt đầu làm yếu các cơ và van của bộ máy tiêu hóa, làm chậm chuyển hóa thức ăn trong hệ tiêu hóa.

Mẹ làm cho mẹ: Chấm dứt ợ nóng trước khi nó thành một vấn đề bằng cách ăn những bữa nhỏ trong cả ngày dài thay vì 3 bữa lớn. Đừng nằm ngay sau khi ăn và tránh xa các món cay và dầu mỡ.

Ngày thứ 53: Bạn có thể tăng khoảng 1-2,5kg trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Nếu bạn tăng cân quá nhiều, có lẽ bạn nên xem lại thói quen ăn uống của mình.

Mẹ làm cho mẹ: Trong lúc bạn bắt đầu tăng gấp đôi khẩu phần ăn với suy nghĩ “ăn cho hai người”, tất cả những gì bạn cần để hỗ trợ cho bé phát triển trong giai đoạn đầu của thai kỳ chỉ là 100 calori thêm vào mỗi ngày mà thôi. Trong giai đoạn thứ 2 và 3 của thai kỳ, bạn sẽ cần bổ sung thêm nhiều calori hơn cho bé mỗi ngày, vào khoảng 300 calori. Tất cả lượng calori này chỉ gói gọn trong một bữa ăn thêm nhẹ chứ không phải là khẩu phần gấp đôi như bạn nghĩ.

Ngày thứ 54: Bạn có thể nhạy cảm hơn hẳn với mùi khi đang mang thai. Nếu bạn cảm thấy đủ ổn, có lẽ bạn phải ăn mừng với sức mạnh siêu nhiên mới này, nhưng nếu mùi nào đó làm dâng lên những đợt sóng buồn nôn khắp cơ thể, bạn chắc hẳn không thích thú tí nào.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu bạn ra ngoài ăn và thấy buồn nôn với một mùi nào đó, hãy hỏi xin một cốc nước lọc và một lát chanh. Chanh sẽ làm bạn dễ chịu hơn tức thì.

Ngày thứ 55: Đừng hoảng hốt nếu bạn xỉ mũi và thấy một ít máu hôm nay. Nội tiết tố của bạn lảm yếu thành mạch máu trong mũi dẫn đến chảy máu. Trong suốt thai kỳ, thỉnh thoảng chảy máu cam là rất bình thường.
Mẹ làm cho mẹ: Sử dụng máy làm ẩm không khí trong phòng ngủ, uống nhiều chất lỏng, bổ sung vitamin C sẽ giúp cải thiện tình trạng chảy máu cam trong thai kỳ.

Ngày thứ 56: Lượng máu đến khu vực xung quanh âm đạo tăng lên kết hợp với tăng sản dịch nhầy trong suốt thai kỳ thường dẫn đến sự tiết dịch âm đạo. Nếu bạn nhận thấy sự tiết dịch nhiều hơn này, hãy yên tâm là nó rất bình thường.

Mẹ làm cho mẹ: Bạn không làm được gì nhiều với tình trạng tăng tiết dịch âm đạo này, nhưng bạn có thể hạn chế sự nhiễm khuẩn bằng cách mặc quần cotton rộng thoáng và không dụng bất cứ sản phẩm có hương thơm nào ở vùng gần âm đạo.
Bạn sẽ cảm thấy gì tuần này?

  • 65% bà mẹ cảm thấy buồn nôn trong tuần này.
  • 65% bà mẹ cảm thấy căng tức ngực trong tuần này.
  • 64% bà mẹ cảm thấy kiệt sức trong tuần này.


Theo Webtretho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét