Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Tuần thai thứ 6

Ngày thai thứ 36 - 42 (ngày 50 - 56 tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối)

Sang tuần thứ 6, cơ thể của con bạn đã dần thành hình rõ ràng hơn, bụng bạn cũng đã to lên gấp đôi so với trước. Và vài tuần tới đây là thời gian lý tưởng để bạn đến các cơ sở y tế cho buổi khám thai đầu tiên. Bạn cần chuẩn bị những gì để có một buổi khám thành công mỹ mãn?



Bé phát triển như thế nào?

Điểm nóng tuần này là bàn tay và bàn chân của bé đang nhú ra từ cánh tay và cẳng chân – dù lúc này chúng trông giống những mái chèo hơn là những búp măng nhỏ xíu mũm mĩm mà bạn sẽ mê mẩn sau này. Về lý thuyết, con bạn bây giờ mới chỉ được xem là một phôi thai với cái đuôi nhỏ là phần kéo dài của xương cụt. Chiếc đuôi này sẽ biến mất trong vài tuần nữa. Em bé tăng gấp đôi kích thước so với tuần trước và dài khoảng 1,2cm, cỡ bằng một quả việt quất.

Nếu có thể thấy được bên trong tử cung của mình, bạn sẽ nhận thấy nếp gấp mí mắt đang bao phủ một phần mắt bé – lúc này đã thể hiện một chút màu sắc nào đó – cũng như chóp mũi của bé và các mạch máu bên dưới làn da mỏng như giấy. Cả hai bán cầu não của con bạn đang phát triển; gan của bé đang sản sinh ra các tế bào hồng cầu cho đến khi tủy sống hình thành và tiếp quản vai trò này. Bé cũng có ruột thừa và tuyến tụy là nơi sẽ sản xuất ra insulin để hỗ trợ tiêu hóa. Một vòng xoắn từ ruột bé đang lồi thành dây rốn với các mạch máu riêng biệt làm nhiệm vụ vận chuyển oxy và dưỡng chất đi khắp cơ thể nhỏ bé.

Trong 7 ngày của tuần này, bé có những bước tiến như sau:

Ngày thứ 36: Cánh tay của bé đang dài ra và bạn có thể phân biệt được cẳng tay và cánh tay. Phần vai cũng đã có thể phân biệt được.

Mẹ làm cho con: Hãy tránh xa các loại nước uống và thực phẩm chưa tiệt trùng có thể chứa chấp vi khuẩn listeria. Thai phụ dễ bị nhiễm khuẩn listeria cao gấp 20 lần từ thực phẩm như pho mát mềm, thịt nguội hoặc pa-tê. Kết quả của nhiễm khuẩn listeria có thể dẫn đến sinh non hoặc trẻ tử vong ngay khi sinh.

Ngày thứ 37: Bé bắt đầu có nỗ lực ngọ nguậy vào những ngày này. Một cái rùng mình thật khẽ là tất cả mà bé có thể kiểm soát được trong lúc này, nhưng bạn chỉ cảm thấy cử động của em sau vài tháng nữa.
Mẹ làm cho con: Bạn cần ít nhất 3 phần trái cây vào ngày này: 1 quả táo, nửa tách nước cam vắt, và ¼ tách nho khô là tất cả mà bạn và bé cần.

Ngày thứ 38: Bàn tay hình mái chèo của bé đã bắt đầu tách ngón, với những nét hằn mờ của năm ngón tay trên mỗi bàn tay.

Mẹ làm cho con: Bạn hãy bắt đầu nghĩ đến chuyện bạn sẽ chọn phòng nào cho bé hoặc đặt giường cũi của bé ở đâu. Bé mới sinh sẽ mất ít nhất vài tuần đầu tiên ở cùng phòng với bố mẹ hoặc có thể là ngủ cùng giường với mẹ, nhưng nên sớm tách bé ra và dành một không gian riêng cho bé.

Ngày thứ 39: Màu mắt của bé đang chầm chậm định hình trong ngày hôm nay. Mắt của bé sẽ luôn mở vào thời điểm này trong sự phát triển của bé, mi mắt sẽ hình thành trong khoảng vài tuần nữa.

Mẹ làm cho con: Làm việc không gây hại cho bé trong bụng bạn, trừ khi bạn phải vận động thể chất nặng hoặc tiếp xúc với hóa chất, chì và tia X.

Ngày thứ 40: Trong khoảng 48 giờ, não bé phát triển nhảy vọt và đạt kích thước lớn hơn đến 25% so với trước đó. Các chuyên gia ước lượng não bé tăng trung bình ¼ triệu nơ-ron thần kinh mỗi phút.
Mẹ làm cho con: Bạn sốt trên 390C có thể là rất nguy hiểm cho bé trong thời điểm này, bạn hãy nhớ báo bác sĩ khi có dấu hiệu sốt và sốt cao. Uống acetaminophen và tắm nước ấm để giúp giảm nhiệt độ cơ thể.

Ngày thứ 41: Lúc này, lỗ mũi của bé đang mở dần, các tế bào tập hợp quanh các vành của lỗ mũi sẽ phát triển thành chiếc mũi xinh của bé sau này.

Mẹ làm cho con: Trong khi các loại cá có nhiều ích lợi về dinh dưỡng cho em bé trong bụng mẹ, FDA khuyên các bạn mang thai nên tránh ăn cá mập, cá kiếm, và cá thu lớn do có chứa nhiều thủy ngân. Cá ngừ vằn có thể ăn nhưng với hạn chế (tối đa khoảng 150gr/tuần). Tốt nhất là bạn nên ăn nhiều loại thủy sản có nồng độ thủy ngân thấp như tôm, cá ngừ đóng hộp, cá hồi,

Ngày thứ 42: Chân bé giờ đây đã dài ra và trông giống cái chân hơn là chồi cây, những đường nét của bắp đùi, đầu gối và bàn chân đã có thể nhìn thấy được.

Mẹ làm cho con: Hẹn lịch khám với nha sĩ để đảm bảo răng lợi của bạn vẫn đang khỏe mạnh. Bệnh nướu khá phổ biến với thai phụ (do nội tiết tố bất thường) và có liên quan đến khả năng sinh non. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thông báo với bác sĩ về việc mang thai để được hỗ trợ đúng cách.



Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào?

Tử cung của bạn đã phình lên gấp đôi so với 5 tuần trước, và việc ăn uống lúc này đã trở thành nghĩa vụ – hoặc tệ hơn – do nghén, những cơn nghén bây giờ thật kinh khủng. (Nếu bạn thấy ổn, đừng lo gì cả – bạn rất may mắn đấy!)

Bạn cũng có thể thấy buồn tiểu nhiều hơn bình thường do lượng máu dồi dào hơn và lượng chất lỏng được xử lý qua thận của bạn cũng tăng thêm. (Hiện tại, lượng máu trong cơ thể bạn nhiều hơn khoảng 10% so với trước khi mang thai. Vào cuối thai kỳ, bạn sẽ có thêm từ 40-45% dung tích máu được vận chuyển qua mạch máu để đáp ứng nhu cầu của thai đủ tháng.) Khi tử cung lớn lên, sức ép lên bàng quang cũng lớn theo khiến bạn phải ra vào nhà vệ sinh nhiều hơn.

Khoảng một nửa số thai phụ cảm thấy buồn nôn suốt quý đầu của thai kỳ sẽ được giải thoát vào khoảng tuần thai thứ 14. Với các mẹ khác, tình trạng này sẽ kéo dài thêm 1 tháng hoặc hơn. Dù vậy, nhu cầu tiểu tiện nhiều không bớt đi mà thường sẽ trầm trọng hơn; trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả tần suất và lượng nước tiểu đều có xu hướng tăng lên trong quá trình mang thai.

Dưới đây là những thay đổi cụ thể từng ngày của bạn trong tuần này, kèm theo những lời khuyên hữu ích:

Ngày thứ 36: Thay vì tăng cân, bạn lại thấy mình sút cân do ốm nghén và chán ghét thức ăn.
Mẹ làm cho mẹ: Đừng căng thẳng nếu bạn sút cân một chút thay vì tăng, điều này khá bình thường và sẽ sớm kết thúc khi những cơn ốm nghén ra đi. Nhưng nếu bạn thấy không thể nuốt được thức ăn và giảm cân ngày một nhiều, bạn nên đến gặp bác sĩ.

Ngày thứ 37: Bạn có thể thấy thèm ăn khủng khiếp vào ngày hôm nay. Món mà các bạn thèm nhất thường là trái cây, chế phẩm sữa, sô-cô-la, snack mặn, đồ chua.
Mẹ làm cho mẹ: Sự thèm ăn đôi khi là một dấu hiệu của việc bạn đã bỏ lỡ một thực phẩm nào đó trong chế độ ăn của mình. Hãy lắng nghe bản thân mình và tận hưởng niềm vui tuyệt vời khi mang thai là bạn được phép nuông chiều cơn thèm của mình.

Ngày thứ 38: Bạn có nhận ra vùng da quanh đầu nhũ hoa sẫm màu đi không? Thật ngạc nhiên, nhưng rất bình thường, đó là một dấu hiệu của mang thai.

Mẹ làm cho mẹ: Quầng vú sẫm màu hơn là rất phổ biến trong suốt thai kỳ, đó là cách tự nhiên mà cơ thể của bạn đang chuẩn bi nguồn sữa để đón bé chào đời. Bạn cũng sẽ thấy da dẻ mình thay đổi theo những cách rất ngạc nhiên trong những tháng tới. Điều tốt nhất bạn có thể làm là dưỡng da và uống nhiều nước. Da của bạn sẽ phải giãn ra để thích ứng với bụng bầu đang lớn dần lên của bạn do vậy da cần được chăm sóc để có độ co giãn tốt nhất.

Ngày thứ 39: Nếu bạn cảm thấy khó ở, hãy kiên nhẫn. Hầu hết các triệu chứng ốm nghén sẽ biến mất khi bạn bắt đầu bước vào giai đoạn 2 (3 tháng giữa) của thai kỳ. Nếu bạn không thấy nghén, điều này cũng chẳng có gì bất thường với thai kỳ và em bé cả, trái lại còn là một sự may mắn, hãy tận hưởng nhé!
Mẹ làm cho mẹ: Nếu bạn đang phải vật lộn với những cơn ốm nghén, bạn nên tạo thói quen ăn nhiều bữa nhỏ trong cả ngày. Tình trạng luôn có chút gì lót dạ sẽ giúp bạn làm dịu cảm giác buồn nôn.

Ngày thứ 40: Nếu bạn giống nhiều phụ nữ khác, ngày hôm nay bạn sẽ cảm thấy buồn nôn ngay từ phút đầu ngủ dậy.

Mẹ làm cho mẹ: Đừng ngại tham vấn bác sĩ về thuốc chống buồn nôn, triệu chứng này vẫn tồn tại với một số người. Trong lúc đó, bạn nên thủ sẵn vài cái bánh quy bên mình để có thể nhấm nháp một ít trước khi đứng dậy hoặc bắt đầu ngày mới.

Ngày thứ 41: Bạn có thể sẽ cảm thấy miệng mình tiết nước bọt không ngớt. Hoàn toàn không phải là bạn tưởng tượng, một lần nữa, sự thay đổi nội tiết tố là thủ phạm.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu việc tiết nước bọt quá nhiều khiến bạn bực bội hoặc nghén nặng hơn, bạn có thể uống thêm nước hoặc ngậm kẹo cứng. Nếu không có tác dụng, đánh răng thêm vài lần trong ngày có thể khiến bạn thấy đỡ hơn.

Ngày thứ 42: Bạn có thể phải chịu đựng một số triệu chứng thai kỳ lạ như vị tanh trong miệng, ợ hơi và trung tiện nhiều, hoặc bị ngạt mũi.

Mẹ làm cho mẹ: Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như trên, cứ yên trí rằng bạn trải qua nó như nhiều phụ nữ mang thai khác mà thôi. Hãy giữ thái độ lạc quan rằng chúng sẽ không tồn tại lâu.

Bạn sẽ cảm thấy gì trong tuần này?

  • 70% bà mẹ cảm thấy ngực đau và nhạy cảm trong tuần này.
  • 64% bà mẹ cảm thấy kiệt sức trong tuần này.
  • 48% bà mẹ cảm thấy buồn nôn trong tuần này.


Theo Webtretho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét